Menu  
Tin tức - Sự kiện / Tin tức sự kiện Phong Phú
              Thời gian gần đây đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại một cách dữ dội đe dọa đến tính mạng của nhân dân cũng như ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội trên cả nước và đặc biệt là tại TP HCM. Trong vài tháng qua, các phương tiện thông tin đại chúng đều đặn cập nhật số liệu các ca nhiễm và tình hình phòng chống dịch bệnh từng ngày, từng giờ.
              Trước tình hình diễn biến căng thẳng của dịch, Chính phủ và các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt đồng bộ. Cụ thể vào ngày 9/7/2021 UBND TP HCM đã quyết định áp dụng chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 14 ngày kể từ 0h ngày 9/7/2021, ngày 23/7/2021 sau khi TP HCM đã ghi nhận 46.178 ca bệnh UBND TP HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg đến ngày 1/8/2021, ngày 1/8/2021 Chủ tịch UBND TP HCM ký ban hành Công văn khẩn số 2556/UBND-VX về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn Thành phố theo tinh thần chỉ thị này thêm 14 ngày nữa kể từ 0 giờ ngày 2/8/2021 với tinh thần “ai ở đâu ở đấy".
              Đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, kể từ 0h ngày 15/7/2021 để duy trì hoạt động, một là các doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện vừa sản xuất vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm 3 tại chỗ: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ; hai là doanh nghiệp đảm bảo thực hiện phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm": chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển công nhân tập trung từ nơi ở (ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung) đến nơi sản xuất. Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo theo yêu cầu nêu trên thì dừng hoạt động từ 0h ngày 15/7/2021 cho đến khi có chỉ đạo mới. Doanh nghiệp phải thực hiện xét nghiệm định kỳ với công nhân 7 ngày/lần, chi phí do doanh nghiệp tự chi trả. Trên thực tế, để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế, trong đó việc tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh 3 tại chỗ là hết sức khó khăn đối với các doanh nghiệp. Theo báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam-VASEP có tới 70% doanh nghiệp thuỷ sản đóng cửa vì không thể '3 tại chỗ', còn bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết có tới 97% doanh nghiệp dệt may ngưng hoạt động. Với các doanh nghiệp quyết tâm duy trì hoạt động sản xuất, việc thực hiện “3 tại chỗ” và “một cung đường hai địa điểm” cũng mang đến rất nhiều khó khăn thử thách phải vượt qua như thiếu hụt lao động phải giảm công suất, nguồn lực nhân sự, tài chính phải tập trung chuyển đổi công năng nhà xưởng, bãi giữ xe, lắp đặt khu vệ sinh, trang bị chăn màn, chiếu ngủ… ngoài ra chi phí xét nghiệm và giá cả nguyên phụ liệu và các mặt hàng lương thực thực phẩm tăng cao cũng là gánh nặng đáng kể. Nhưng thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối diện là sự an toàn cho người lao động trước dịch bệnh, chính vì thế các doanh nghiệp đều đề xuất cần sớm tiêm vaccine cho người lao động.
             Trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản, VASEP kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine ngay cho người lao động tại các nhà máy chế biến thuỷ sản. Bốn hiệp hội gồm Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas); Hiệp hội Da-giày-Túi xách Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM cũng vừa cùng nhau gửi Công văn tới Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vaccine để tiêm cho người lao động của các ngành hàng xuất khẩu. Nhưng do lượng thuốc còn hạn chế nên việc tiêm vaccine cho người lao động còn nhiều bất cập. Trong cuộc gặp mặt các đại diện tiêu biểu của ngành Dệt may Việt Nam – lĩnh vực sản xuất có gần 3 triệu người lao động, 13 ngàn doanh nghiệp với Chủ tịch nước chiều 3/8/2021, các doanh nghiệp dệt may cũng đề nghị Nhà nước quan tâm sớm tiêm vaccine cho hơn 3 triệu công nhân lao động ngành dệt may, vì hiện mới có 1% lao động được tiêm vaccine.
              Về phần mình, Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú đã hết sức chủ động trong công tác vừa chống dịch vừa ổn định sản xuất kinh doanh và duy trì việc làm cho người lao động. Ngay từ khi đợt dịch có dấu hiệu bùng phát trở lại, Ban điều hành Tổng Công ty đã lên các phương án chuẩn bị ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra như dự trữ nguyên phụ liệu, đàm phán thương lượng về kế hoạch giao hàng với các đối tác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế và chính quyền địa phương, thuê khách sạn cho những người cư trú tại các khu vực bị cách ly phong tỏa không tự di chuyển được, mua sắm các trang thiết bị cá nhân cho người lao động sử dụng trong thời gian tập trung…Tuy thời gian chuẩn bị rất gấp, trừ một số trường hợp đặc biệt, ngay buổi sáng đi làm ngày 14/7/2021, Ban điều hành và người lao động Phong Phú đã mang theo tư trang cá nhân để sẵn sàng cùng nhau thực hiện “3 tại chỗ” tại công ty trong chiến dịch dài ngày. Mặc dù điều kiện sinh hoạt ăn ở tại chỗ cho đông người trong thời gian dài gặp rất nhiều trở ngại, qua nhiều lần gia hạn thời hạn áp dụng nhưng cho đến nay, sau gần một tháng sinh hoạt tại chỗ, anh chị em Phong Phú vẫn giữ vững tinh thần gắn bó với công ty, gắn bó với sản xuất, chia sẻ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thách thức. Ban điều hành và giám đốc các nhà máy đã lo lắng quan tâm tới từng chi tiết nhỏ như khẩu phần ăn, thuốc bổ, ổ cắm sạc điện thoại, wifi…làm sao để anh chị em công nhân có sức khỏe tốt nhất và yên tâm công tác nhất còn anh chị em công nhân cũng đã nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh điều kiện mới, tập trung phát huy tay nghề và hiệu suất thiết bị để mang lại năng suất hiệu quả cao nhất.
 
Khu lưu trú cho người lao động
 
 
Trang bị máy giặt…
 
Trang bị giàn phơi đồ phục vụ công nhân
 
Công nhân ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ
 
              Chính nhờ sự quyết tâm và đồng lòng của toàn đội ngũ nên các đơn vị vẫn đảm bảo được khoảng 75-80% công suất năng lực so với lúc bình thường. Phong Phú luôn xác định người lao động là vốn quý nên các công tác chăm lo cho người lao động, đặc biệt là chăm lo sức khỏe luôn được đề cao, Ban lãnh đạo Tổng công ty đánh giá vaccine là yếu tố quyết định trong bối cảnh diễn biến khó lường của dịch bệnh nên đã tìm mọi biện pháp để sớm tiêm vaccine cho toàn thể thành viên của gia đình Phong Phú.
             Sau thời gian dài nỗ lực không mệt mỏi, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp lãnh đạo và các ban ngành tại địa phương, ngày 3/8/2021, tại Cụm Công nghiệp Phong Phú đã tổ chức tiêm vaccine Astra Zeneca cho toàn bộ thành viên “3 tại chỗ” và các thành viên khác. Đợt tiêm vaccine lần này là một minh chứng cho thấy trong khó khăn, thậm chí là gian nguy Phong Phú vẫn có thể tìm ra những giải pháp vừa bảo vệ sức khỏe của công nhân, vừa duy trì sản xuất, chăm lo cho đời sống của người lao động.
 
Xe tiêm vaccine đến điểm tiêm tại Cụm Công Nghiệp Phong Phú
 
Hướng dẫn khai báo y tế và thông tin cá nhân trước khi tiêm
 
Xếp hàng làm thủ tục đăng ký tiêm
 
Ngồi chờ khám sàng lọc
 
Đo huyết áp trước khi tiêm
 
Khám sàng lọc trước khi tiêm
 
Thực hiện mũi tiêm
 
Đo lại huyết áp và các chỉ số y tế sau khi tiêm xong
 
Được cấp Giấy xác nhận đã tiêm ngừa Covid-19 và ra về.