Menu  
Tin tức - Sự kiện / Tin tức sự kiện Phong Phú
      Chỉ trong vòng 8 tháng kể từ khi đại dịch mang tên Covid -19 xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán- Trung Quốc, thế giới đã lâm vào cuộc khủng hoảng chưa từng có. Tính đến hết ngày 24/8/2020, đại dịch đã lan ra tại 213 quốc gia/vùng lãnh thổ, với hơn 6,6 triệu ca nhiễm, hơn 800 ngàn người tử vong. Dịch bệnh đến nay vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại Châu Âu, Mỹ và nhiều nước châu Á, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu và Việt Nam.
      Trước ảnh hưởng khủng khiếp của đại dịch Covid 19, lệnh giãn cách xã hội, hạn chế đi lại được áp dụng hầu hết tại các quốc gia. Nhiều ngành kinh tế chao đảo, trì trệ và nhiều doanh nghiệp dệt may thậm chí “đóng băng” bởi 70% nguyên phụ liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi các nhà sản xuất Trung Quốc gượng dậy và khôi phục 80% hoạt động cung ứng thì tiếp đến giai đoạn 2 dịch bệnh bùng phát tại Mỹ và Châu Âu – hai thị trường chính chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam. Đây rõ ràng là thách thức rất lớn, chưa từng có trong quá trình hoạt động của ngành dệt may nói chung và của Phong Phú nói riêng.
      Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gần như mất trắng, phá sản, đóng cửa, nhiều người mất việc làm… Phong Phú cũng đã và đang gặp muôn vàn khó khăn. Áp lực từ bảo đảm việc làm cho hơn 2600 lao động trong tình hình nhiều đơn hàng bị hủy, giãn thời gian giao hàng hoặc tạm hoãn đơn hàng từ nửa cuối tháng 3/2020, kể cả đơn hàng từ đối tác khách hàng truyền thống; Áp lực tài chính khi thanh toán các chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất như điện, nước, nguyên phụ liệu, nhân công, chi phí lãi vay với ngân hàng… là một thách thức lớn. Doanh nghiệp hầu như chưa tiếp cận được các gói ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước;… Thực tế từ tháng 5/2020, các ngành sản xuất của Tổng Công ty đã không thể bố trí đủ việc làm cho người lao động (NLĐ) do năng lực sản xuất bị ảnh hưởng giảm từ ít nhất 20% trở lên.
     Vậy cần làm gì lúc này?
     Phong Phú chọn cách thích nghi với thời cuộc bằng việc thay đổi chiến lược. Một số giải pháp được thực hiện:
    - Triển khai kịp thời và hiệu quả các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người lao động và ổn định sản xuất kinh doanh.
     - Thực hiện cắt giảm và tiết kiệm chi phí.
     - Tập trung tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch.
     - Phát triển mặt hàng khăn kháng khuẩn nhằm phục vụ nhu cầu bảo vệ sức khỏe tăng cao của người dân vào mùa dịch.
    - Xây dựng các phương án tài chính khả thi để cân đối bổ sung các nguồn trang trải lương cho người lao động để máy vẫn chạy, công nhân vẫn có việc, duy trì họat động của doanh nghiệp.
    - Phối hợp với Đoàn tư vấn của Cục Công nghiệp (IDC) – Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (VIA) tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý về kiểm tra chất lượng và đánh giá năng lực để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp.
Buổi kick-off Dự án "Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp" tại Tổng Công ty CP Phong Phú
     - Đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng và triển khai 24 đề tài cải tiến nhằm nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp.
     - Nghiên cứu xây dựng 2 mô hình kho tự động và kho thông minh
     - Chia sẻ, chung tay cùng cộng đồng với nhiều hoạt động tài trợ, hỗ trợ ý nghĩa: Ủng hộ xây mới 2 Cầu Kênh thuộc Huyện Đức Huệ, Long An với kinh phí 1.000.000.000 đồng; Đồng hành, tài trợ chương trình Ngày hội Thanh thiếu niên, tình nguyên viên Chữ thập đỏ vì cộng đồng năm 2020 nhằm giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề vởi dịch Covid-19;...
 
Ủng hộ xây mới Cầu Kênh tại huyện biên giới Đức Huệ, Long An
     - Duy trì và tăng độ nhận diện thương hiệu bằng nhiều hoạt động truyền thông, khuyến mãi, bán hàng. Tháng 7/2020, Phong Phú vinh dự là 1 trong 40 đơn vị có nhiều đóng góp trong hoạt động lan tỏa thông điệp "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", được Bộ Công thương trao kỷ niệm chương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (trái) trao kỷ niệm chương cho đại diện Tổng Công ty CP Phong Phú
tại chương trình Tự hào Hàng Việt Nam 2020
    - Tăng cường hoạt động truyền thông nội bộ để người lao động luôn được nhắc nhớ thường xuyên về các giá trị văn hóa tích cực Phong Phú đang theo đuổi: “Đoàn kết – Tử tế - Sáng tạo - Mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng”; giúp người lao động “bớt hoang mang” trong mùa Covid và sẻ chia phần nào khó khăn với Tổng công ty (thông qua việc ủng hộ các quyết định về giảm giờ làm và nghỉ luân phiên)…
     Tình hình 6 tháng cuối năm 2020 dự báo dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên với những hoạt động tích cực và chủ động trên, chúng ta có quyền tin rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”. Phong Phú sẽ tiếp tục duy trì tinh thần và đội ngũ, vốn là tài sản lớn nhất của công ty. Để cùng nhau vượt qua thử thách. Để thương hiệu Phong Phú tiếp tục được khẳng định sau đại dịch.