Ngày 22/9/2014, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) - tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên được cổ phần hoá vừa tổ chức thành công việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, vốn điều lệ của Vinatex là 5.000 tỷ đồng, trong đó Nhà nước giữ 51%. Tập đoàn có 2 cổ đông chiến lược với tỷ lệ nắm giữ là 24%. Cổ phần bán cho người lao động trong doanh nghiệp là 0,60% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại là 24,40% bán cho các cổ đông bên ngoài (tương đương với số lượng cổ phần phát hành ra công chúng là 121.999.150 cổ phần).
Tại phiên bán cổ phần lần đầu ra công chúng, có 87 nhà đầu tư là cá nhân và tổ chức trong, ngoài nước đăng ký tham gia đấu giá, trong đó có 3 tổ chức trong nước và 12 tổ chức nước ngoài. Giá đấu thành công là 11.000 đồng/cổ phần với khối lượng cổ phần bán được là 110.558.200 cổ phần.
Mức giá cao nhất mà nhà đầu tư đặt mua là 12.000 đồng/cp với khối lượng chỉ 200 đơn vị, mức giá đặt mua thấp nhất là 11.000 đồng/cp với phần lớn khối lượng được đấu giá.
Tại các buổi hội thảo giới thiệu cổ phiếu Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Lê Tiến Trường, Thành viên HĐTV cho biết sau IPO Vinatex đã định ra lộ trình 3 năm sau sẽ niêm yết trên các sàn giao dịch có tổ chức. Nguyên nhân là Vinatex muốn hoàn thiện quá trình tái cấu trúc, hoàn thiện chuyển dịch mô hình sản xuất sang phương thức sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM) thành công và ổn định đội ngũ quản lý trước khi niêm yết.
Bên cạnh đó, về định hướng kinh doanh, Vinatex hướng tới hoạt động theo mô hình đa ngành, đa sở hữu với lĩnh vực cốt lõi là ngành dệt may. Tập đoàn sẽ chỉ sở hữu 51 - 65% các đơn vị thành viên nằm trong chuỗi ODM, còn các đơn vị khác sẽ giảm dần tỷ lệ sở hữu xuống khoảng 30%.