Đối tác chiến lược của Vinatex: Sẽ có yếu tố nước ngoài
Đó là khẳng định của ông Lê Tiến Trường, tân Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xung quanh câu chuyện tìm kiếm đối tác chiến lược trong dịp đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Vinatex vào ngày 22/9 tới đây tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Nhận chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn tại thời điểm này, chắc hẳn kế hoạch hành động sẽ rất dồn dập, thưa ông?
Tôi nhận nhiệm vụ mới vào đúng thời điểm Tập đoàn chuyển đổi mô hình hoạt động, cũng là lúc có nhiều sắp xếp theo hướng ngày càng minh bạch hơn và tiếp cận với trình độ quản lý quốc tế.
Thời gian qua, cho dù Tập đoàn đã nỗ lực hoạt động để nâng cao sức cạnh tranh, nhưng vẫn chưa đạt tới ngưỡng của một tập đoàn dệt may ở trình độ quốc tế cao.
Đương nhiên, khi Vinatex đã cổ phần hóa, thì yêu cầu của các cổ đông với Tập đoàn trên nhiều phương diện sẽ nặng nề hơn.
Hơn nữa, giai đoạn này đúng vào thời điểm mà Chính phủ đang xúc tiến đàm phán để đi đến ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương (FTA) và đa phương quan trọng.
Rõ ràng, cơ hội mới nhiều, tiềm năng cho dệt may phát triển trong những năm tới cũng có tín hiệu tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi là yêu cầu mới, sức ép mới cũng nhiều hơn, nặng hơn, nên Tập đoàn phải nỗ lực nhiều để tạo ra những chuyển biến mới.
Thêm vào đó, khó khăn, trở ngại trong ngắn hạn cũng khá rõ nét, bao gồm cả các yếu tố thuộc về đặc thù kinh tế vĩ mô của Việt Nam (thị trường vốn, khả năng tiêu thụ trong nước và cả những yếu tố biến động của khu vực thời gian qua).
Hình ảnh Hội thảo Giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Vinatex tại Hà Nội
Thời điểm IPO của Tập đoàn đang đến rất gần. Ông có thể cho biết, mong muốn của Tập đoàn về lựa chọn đối tác chiến lược là chú trọng cùng ngành, nghề hay tổ chức tài chính?
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rất rõ, trong số 3 đối tác chiến lược, thì chỉ được chọn tối đa một công ty tài chính, còn lại phải là nhà sản xuất, phân phối hàng dệt may.
Về phần mình, Tập đoàn mong muốn đối tác chiến lược mang đến nhiều năng lực cạnh tranh, bao gồm năng lực cạnh tranh về tài chính, về quản lý con người và công nghệ, thị trường. Hơn nữa, Tập đoàn cũng muốn tối đa hóa lợi ích mà các cổ đông chiến lược có thể mang lại. Vì thế, chúng tôi thấy rằng, các cổ đông cùng ngành hay có thế mạnh về tài chính thì đều cần cả. Vấn đề là, những cổ đông đó có thực sự mạnh và có năng lực cạnh tranh để đóng góp vào quá trình phát triển của Tập đoàn hay không.
Sau một quá trình dài chuẩn bị, IPO là “thước đo” cụ thể nhất về sức hút và độ nóng của cổ phiếu Vinatex đối với các nhà đầu tư. Ông đánh giá thế nào về sự mặn mà của các nhà đầu tư với cổ phiếu Vinatex tại thời điểm này?
Theo đánh giá của chúng tôi, hiện tại, đối tác là doanh nghiệp sản xuất, nếu muốn là cổ đông chiến lược thì không thể là doanh nghiệp trong nước, vì Vinatex đang là tập đoàn sản xuất quy mô lớn. Những doanh nghiệp tốt hơn, mạnh hơn Vinatex thì phải có yếu tố nước ngoài.
Tất nhiên, cũng không nên hiểu bó hẹp đó phải là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, mà có thể là doanh nghiệp phân phối, có công nghệ, có thị trường, có đơn hàng lớn, có năng lực tài chính để song hành dài hạn với Tập đoàn. Còn độ mặn mà của đối tác tới đâu, thì chỉ nhìn qua số lượng các nhà đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm cơ hội đầu tư vào dệt may tại Việt Nam cũng như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào dệt may thì có thể hình dung được.
Còn quyết định cuối cùng chọn ai là đối tác chiến lược sẽ thuộc về Bộ Công thương.
Theo kế hoạch, Vinatex phải thực hiện IPO vào năm 2013, nhưng vì nhiều lý do đã lùi lại sang năm 2014. Cá nhân ông có cho rằng, việc lùi IPO sang năm nay có thuận lợi hơn?
Thực ra ở đây có 2 điều cần lưu ý.
Thứ nhất, xét về mặt vĩ mô, kinh tế Việt Nam năm 2014 ổn định hơn năm 2013 và đó là một tiền đề tốt cho sự quan tâm của nhà đầu tư và cũng là cho Vinatex.
Thứ hai, khi các FTA song phương và đa phương, như FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU), FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… càng đến gần, thì các cơ hội sẽ đến nhanh hơn, rõ ràng hơn và gần hơn so với năm trước.
Nếu nhìn ở góc độ nhà đầu tư, tôi cho rằng, thời điểm năm 2014 tốt hơn cho nhà đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư vào Việt Nam để đón đầu các cơ hội từ các FTA. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Về mặt khách quan, khi nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam, thì trước hết Việt Nam phải có lợi thế cạnh tranh. Và lợi thế cạnh tranh đó có được là do nỗ lực ở tầm vĩ mô của Chính phủ, tạo ra tiềm năng cạnh tranh quốc gia tốt hơn.
Còn việc lựa chọn nhà đầu tư như thế nào để có hiệu quả lại phụ thuộc vào quản lý nhà nước trong đầu tư, từ việc quản lý trình độ công nghệ, quản lý về quy hoạch để đảm bảo việc đầu tư đúng nơi, phù hợp với môi trường và đặc biệt là công nghệ phải mới, mang yếu tố thúc đẩy quá trình phát triển năng lực sản xuất và trình độ công nghệ ở trong nước.