Menu  
Tin tức - Sự kiện / Tin trong ngành
TPP VÀ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM
 
Vừa qua, tại TP. Đà Nẵng, Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Ủy ban Nhân dân TP. Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo “Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương và tác động đến doanh nghiệp dệt may Việt Nam," với sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp, cán bộ quản lý trong ngành dệt may của thành phố Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Hội thảo nhằm giới thiệu nội dung của Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam khi hiệp định này được ký kết.
 
 
Tại hội thảo, Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng tiến hành lấy phiếu khảo sát các doanh nghiệp dệt may của các tỉnh thành trên, qua đó góp phần tổng hợp thông tin về thực trạng của ngành dệt may Việt Nam, giúp Chính phủ có thêm thông tin chi tiết khi đàm phán và điều chỉnh chiến lược phát triển ngành dệt may trong tương lai.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may muốn tận dụng tốt cơ hội mà hiệp định này mang lại cần đầu tư vào phân khúc dệt, nhuộm, hoàn tất; phát triển ngành công nghiệp thời trang; thực hiện liên kết chuỗi sản xuất để có thể chủ động về nguồn lực, thiết bị công nghệ và thị trường.
TPP là một hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp định gồm 5 nội dung chính về quyền sở hữu trí tuệ; các biện pháp vệ sinh dịch tễ; hàng rào kỹ thuật trong thương mại; viễn thông và thương mại điện tử; dịch vụ và đầu tư.
Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực mở rộng thị trường quốc tế thông qua việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán tham gia các hiệp định thương mại tự do với các đối tác, trong đó có TPP.
Trong các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương, dệt may luôn là một nội dung quan trọng bởi quy mô và sự ảnh hưởng của ngành này đến tất cả các nội dung đàm phán như về thương mại và cắt giảm thuế quan; quy tắc xuất xứ và yêu cầu về tỷ trọng sản xuất trong nước; vấn đề đầu tư; dịch vụ bán lẻ, phân phối; vấn đề sở hữu trí tuệ và quyền của người lao động; vấn đề chi tiêu công và hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; vấn đề y tế, môi trường và vệ sinh dịch tễ cùng hàng loạt vấn đề pháp lý liên quan. Vì vậy, khi hiệp định này được ký kết sẽ có tác động rất lớn đến ngành dệt may của Việt Nam cả về cơ hội cũng như những thách thức.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 5 trên thế giới với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 15%/ năm. Ngành dệt may hiện nay đã vươn lên trở thành ngành kinh tế lớn của đất nước góp phần tích cực trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp dệt may trên cả nước, doanh thu toàn ngành năm 2012 đạt 20 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm hơn 17 tỷ USD, tạo việc làm cho 2,5 triệu lao động, đóng góp khoảng 10% vào tổng sản phẩm nội địa (GDP). Ngành dệt may Việt Nam được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn lên trở thành trung tâm dệt may của khu vực Đông Nam á và là một trong những trung tâm dệt may quan trọng của thế giới.
Đối với khu vực miền Trung, mặc dù tỷ lệ số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 10% của cả nước nhưng có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dệt may. Những năm gần dây, nhiều doanh nghiệp dệt may trong và ngoài nước đã chọn khu vực miền Trung để mở rộng sản xuất và đầu tư mới.
Theo TTXVN