Menu  
Tin tức - Sự kiện / Tin trong ngành
DOANH NGHIỆP DỆT MAY CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA
 
Các doanh nghiệp dệt may đều khẳng định rằng: khó cũng phải làm, vì không thể thua trên sân nhà.  
 
 
Thị trường nội địa đang được đánh giá là rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Lâu nay, các doanh nghiệp dệt may chỉ chú trọng đến xuất khẩu và chưa quan tâm nhiều đến thị trường nội địa. Tuy nhiên, những khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu thời gian qua đã giúp cho nhiều doanh nghiệp dệt may TP.HCM nhìn nhận lại thị trường này. Nhưng vấn đề đặt ra là để xâm nhập và có chỗ đứng bền vững ở thị trường trong nước là điều khó khăn đối với các doanh nghiệp dệt may.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, khẳng định, với dân số gần 90 triệu người, thị trường nội địa rất có tiềm năng đối với doanh nghiệp dệt may.
Điều kiện thuận lợi luôn sẵn có, nhưng để chiếm được thị phần từ 10-30% ở thị trường nội địa là điều rất khó đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng.
Trên thị trường hiện nay hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan lại được gắn mác là hàng Việt, hàng Hiệu và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Không những thế, nhiều cơ sở may gia công, doanh nghiệp trong nước chỉ đầu tư vào số lượng, chứ chưa chú ý đến chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu nên giá thành sản xuất thấp, sản phẩm bán ra với giá rẻ hơn so với các doanh nghiệp có thương hiệu.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp dệt may dù đã có tên tuổi trên thị trường quốc tế về hàng xuất khẩu nhưng chỗ đứng trong lòng người Việt Nam dường như chưa chiếm được là bao.
Để vào được thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp đã chọn phương án sản xuất và bán hàng sỉ thông qua doanh nghiệp phân phối nội địa, bởi khâu phân phối tiêu thụ ở thị trường nội địa không phải là chuyện dễ đối với doanh nghiệp vốn quen xuất khẩu. Nếu không khéo chính doanh nghiệp phải ôm gánh nặng về hàng tồn kho vì không bán được hàng.
Ông Nguyễn Ân, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất thương mại Sài Gòn (Garmex Sài Gòn), cho biết: hiện nay tỷ lệ hàng sản xuất phục vụ nội địa của công ty chỉ chiếm 10%, nhưng để bán được 10% này, công ty phải liên kết với đơn vị bán lẻ trong nước.
Điều đáng nói là rất nhiều doanh nghiệp dù đã có chỗ đứng trên thị trường quốc tế và đang tạo được vị trí của mình trên thị trường nội địa, nhưng để sản xuất ra sản phẩm 100% hàng Việt Nam với giá phải chăng, có thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn làn thì phải mất một thời gian dài và rất khó khăn. Nhưng các doanh nghiệp dệt may đều khẳng định rằng: khó cũng phải làm, vì không thể thua trên sân nhà.  
Theo các doanh nghiệp, khó nhất của ngành may chính là nguyên liệu. Vì mỗi năm Việt Nam cần gần 6 tỷ 800 triệu mét vải, nhưng trong nước chỉ sản xuất và cung ứng chỉ được 800 tỷ mét vải, còn 6 tỷ mét vải phải nhập ở nước ngoài. Vải sản xuất tại Việt Nam cũng đắt hơn vải nhập ngoại nhất là từ Trung Quốc và Hàn Quốc, vì vậy mà nhiều doanh nghiệp đã chọn vải nhập là chính. Chính vì thế hàng dệt may Việt Nam mang tiếng là sản xuất trong nước, hướng đến thị trường nội địa với sản phẩm nội địa song nguyên liệu phần lớn lại là ngoại nhập.
Trước khó khăn này, nhiều doanh nghiệp cho rằng để có thể đáp ứng sản phẩm sản xuất nội địa với nguyên liệu nội địa thì doanh nghiệp ngành may phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Đồng thời Nhà nước cũng cần có các chính sách để quy hoạch, khuyến khích hỗ trợ ngành dệt, nhuộm phát triển nguồn nguyên liệu. Bởi nếu không có nguyên liệu tốt trong nước thì không thể có hàng dệt may Việt Nam chất lượng cao để phục vụ cho người Việt Nam ./.
Theo VOV online