Nhiều doanh nghiệp Hồng Kông đã có những bước chuẩn bị đầu tư thật kỹ để đón đầu việc Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Liên tục trong hai năm gần đây, hai doanh nghiệp dệt may lớn của Hồng Kong là Pacific và Công ty TNHH Tinh Lợi, công ty con của Tập đoàn dệt may Crystal, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đầu tư mở rộng sản xuất các sản phẩm may mặc thành phẩm (bao gồm cả dự án dệt và sản xuất các nguyên phụ liệu đi kèm) tại tỉnh Hải Dương, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại một vị trí đã được tỉnh Hải Dương phê duyệt trước đó không khiến hai nhà đầu tư, dự kiến đầu tư cho hai dự án khoảng 538 triệu đô la Mỹ, nản lòng. Hai doanh nghiệp dệt may tiếp tục tìm hướng đàm phán với tỉnh Hải Dương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất chi ra khoảng 600 tỉ đồng để nhận chuyển nhượng quyền sở hữu KCN Lai Vu, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án.
Hành động tích cực triển khai dự án của các doanh nghiệp đến từ Hồng Kông được các chuyên gia nghiên cứu về đầu tư nước ngoài nhìn nhận là bước chuẩn bị cho việc các doanh nghiệp Hồng Kông và Trung Quốc tìm bàn đạp để gia nhập thị trường Mỹ thuận lợi hơn.
Một phân tích mới đây của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho thấy nếu đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam và nguyên phụ liệu hàng hóa có xuất xứ từ đây, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể xâm nhập thị trường Mỹ với mức thuế xuất khẩu thấp hơn nhiều so với tại Trung Quốc.
Việc thương thảo Hiệp định TPP giữa Việt Nam và Mỹ đang tiến triển tốt đẹp, theo thông tin từ chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa qua. Nếu việc đàm phán này kết thúc vào cuối năm nay và Việt Nam trở thành thành viên của TPP cùng Mỹ và 9 quốc gia khác, hàng hóa của doanh nghiệp có xuất xứ tại Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 0% so với mức 17% mà Mỹ đang áp đối với các sản phẩm may mặc xuất khẩu của Việt Nam hiện tại. Nó sẽ giúp các doanh nghiệp đặt cứ điểm sản xuất tại đây có lợi thế lớn so với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, vốn đang phải chịu mức thuế suất lên tới 37% khi vào thị trường dệt may Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép ống của Trung Quốc cũng đã tận dụng thành công các lợi thế tương tự. Ống thép sản xuất tại Việt Nam bởi các doanh nghiệp Trung Quốc, xuất khẩu qua Mỹ với mức thuế thấp hơn nhiều so với ống thép xuất đi từ Trung Quốc. Với lý do này, năm 2011, Hiệp hội các nhà sản xuất ống thép của Mỹ đã khởi động việc điều tra chống bán phá giá vào thị trường Mỹ đối với ống thép xuất đi từ Việt Nam, do nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc sản xuất.