Ngay từ đầu năm 2013 với những quan ngại lớn về thị trường, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược phát triển lâu dài cũng như giải pháp cụ thể trong ngắn hạn để hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng tháng, từng quý, nửa năm và cả năm 2013. Xuất khẩu dệt may tăng trưởng tốt trong khó khăn với kim ngạch đạt 8,9 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm chứng tỏ sức cạnh tranh và khả năng phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam.
Sản phẩm dệt may Việt Nam tại hội chợ thời trang Việt Nam (VFF)
Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) ví von: Dệt may Việt Nam như một “quầy hàng ngon” nên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường tiêu thụ tăng trưởng rất chậm nhưng thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam tại những thị trường chủ lực vẫn tăng trưởng rất khả quan.
Số liệu thống kê từ Vinatex cho thấy, tổng lượng xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Mỹ đạt 3,94 tỷ USD, chiếm 44,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 1,29 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng kim ngạch và tăng 18% so với cùng kỳ. Thị trường Nhật Bản cũng đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng kim ngạch và tăng 24,5% so với cùng kỳ. Thị trường Hàn Quốc đạt 660 triệu USD, chiếm tỷ trọng 7,5% và tăng 32% so với cùng kỳ. Các thị trường khác đạt 1,85 tỷ USD. Những con số này đã khẳng định vị thế cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới, nhất là tại 4 thị trường quan trọng là Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu thì chuỗi sản xuất của ngành dệt may đã có sự cải thiện tích cực về tỷ lệ nội địa hóa. Nếu như 10 năm trước, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 20% thì nay đã đạt 45%, riêng Vinatex đạt trên 60%. Con số này thể hiện ngành dệt may đã đầu tư phù hợp để phát triển bền vững có hiệu quả hơn. Rõ ràng, với cách đi đúng hướng trong thời gian qua nên ngành dệt may đã không bị khủng hoảng về dòng vốn. Nguồn vốn được đầu tư cho việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành dệt may. Tuy nhiên, theo ông Trường, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn nói riêng và ngành dệt may nói chung vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần tiếp tục được khắc phục. Đó là liên kết chuỗi cung ứng cần chặt chẽ hơn nữa để đạt giá trị gia tăng cao hơn cho hàng hóa trong nước bởi nhiều doanh nghiệp vẫn còn triển khai rất chậm định hướng này.
Để đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm 2013 như doanh thu tăng trưởng 13% so với năm 2012, kim ngạch xuất khẩu (tính đủ nguyên phụ liệu) tăng 12% và lợi nhuận tăng 11%, Tập đoàn đề ra nhiều giải pháp thiết thực, trong đó có một số giải pháp trọng tâm về chiến lược phát triển chung, đầu tư, thị trường và nguồn nhân lực.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex yêu cầu các đơn vị thành viên thuộc Vinatex cần tiếp tục thực hiện chiến lược chung của ngành dệt may; đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp, hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ cùng các công ty thành viên. Đồng thời hình thành và nâng cao chất lượng chuỗi liên kết nội tại giữa các doanh nghiệp trong Tập đoàn như sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, tăng sức cạnh tranh của Tập đoàn nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Mặt khác, chủ động chuyển từ hình thức gia công sang làm hàng mua đứt bán đoạn (FOB) và hàng thiết kế mẫu trên vải (ODM) để gia tăng giá trị, thị phần cũng như kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ông Vũ Đức Giang cũng đề nghị các doanh nghiệp thành viên và liên kết trong Tập đoàn cần tăng cường mở rộng thị trường nội địa. Tăng cường các chương trình marketing và dịch vụ, đặc biệt đẩy mạnh khâu thiết kế thời trang, khai thác nguồn nguyên liệu tốt để có sản phẩm mẫu mã đẹp, hấp dẫn phục vụ người tiêu dùng trong nước.
Hiện nay, chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam sau nhiều năm chật vật nay đã đi vào hoạt động hiệu quả. Tuy vậy, ngành vẫn tiếp tục cải thiện năng suất và phương thức quản lý sản xuất tiên tiến cũng như quan tâm nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư đón đầu khả năng khi Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết cơ hội cho phát triển ngành dệt may sẽ còn được mở rộng hơn nữa.