Menu  
Tin tức - Sự kiện / Tin tức sự kiện Phong Phú

ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG THƯỜNG NIÊN 2022

 
          Sáng 20/5, tại trụ sở chính Tổng Công ty CP Phong Phú (Phong Phú) đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Đại hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến thông qua hệ thống phát sóng video cuộc họp ĐHĐCĐ trực tiếp trên website www.ezgsm.fpts.comwww.youtube.com. 
 
          Đại hội ghi nhận số cổ đông có mặt dự họp trực tuyến là 94 cổ đông, sở hữu và/hoặc đại diện sở hữu cho 65.339.481 cổ phần, đạt tỷ lệ 87,5% vốn điều lệ của Tổng Công ty. 
 
           Cùng tham dự từ đầu cầu Hà Nội có ông Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng ủy/ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Tại Phong Phú có ông Trần Quang Nghị – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam – Chủ tịch HĐQT Phong Phú và các thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát cùng lãnh đạo Cơ quan điều hành, các phòng ban chức năng của Tổng Công ty.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2022
 
          Đại hội đã thông qua Báo cáo về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021, kế hoạch sản xuất năm 2022 và phương hướng điều hành. Theo báo cáo được ông Dương Khuê – UV.HĐQT/Tổng Giám đốc Phong Phú trình bày tại Đại hội, năm 2021 là một năm đầy biến động đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 tạo nên một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ với tất cả các doanh nghiệp, trong đó có Tổng Công ty CP Phong Phú. Mặc dù vậy, với sự nỗ lực của HĐQT, cơ quan điều hành và tập thể người lao động, năm 2021 Tổng Công ty đã đạt được các kết quả đáng khích lệ, cụ thể: Tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 2.072 tỷ đồng, đạt 93,4% so với kế hoạch, trong đó tổng doanh thu của TCT mẹ đạt hơn 1.376 tỷ đồng, đạt 109,3% so với kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 381,7 tỷ đồng, đạt 127,7% so với kế hoạch, lợi nhuận trước thuế TCT mẹ đạt 261,6 tỷ đồng, đạt 104,6% so với kết hoạch; Dự kiến chia cổ tức 30%.
 
Ông Dương Khuê – UV. HĐQT/Tổng Giám đốc Phong Phú
 
          Năm 2022, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với các biến chủng mới. Chiến lược phòng chống dịch ở mỗi quốc gia đều ảnh hưởng đến sự thống nhất nền kinh tế toàn cầu (Trung Quốc hiện nay vẫn duy trì chính sách “zero covid”, cách ly từng địa phương) có thể làm mọi dự đoán bị đảo lộn. Đặc biệt tình hình chính trị và an ninh thế giới vô cùng phức tạp với cuộc chiến Nga – Ucraina, lạm phát tại Châu Âu, Mỹ, khủng hoảng về nguồn nguyên liệu, logistic, dầu hỏa…, cùng với giá nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may tăng cao. Trong bối cảnh đó, Tổng Công ty đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm duy trì lực lượng sản xuất, ổn định khách hàng, tiếp tục phục hồi sản xuất và thị trường, luôn theo dõi chặt chẽ tình hình thực tế để điều hành sản xuất kinh doanh phù hợp nhằm nâng cao nội lực và lợi ích của cổ đông. HĐQT cùng với CQĐH Tổng Công ty xây dựng mục tiêu cho năm 2022 với các chỉ tiêu phấn đấu: Tổng doanh thu hợp nhất 2.260 tỷ đồng, doanh thu TCT mẹ 1.700 tỷ đồng; Lợi nhuận hợp nhất trước thuế 380 tỷ đồng, TCT mẹ 280 tỷ đồng.
 
          Để đạt được những mục tiêu trên, Phong Phú đưa ra các giải pháp kịp thời, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành: Tiếp tục giữ vững và phát triển 02 chuỗi cung ứng Chỉ May Coats và Sản phẩm Gia Dụng (khăn bông và các sản phẩm tương tự). Tích cực chủ động cùng đối tác Coats cải tiến và phát triển thêm mặt hàng mới; Đa dạng các chủng loại sợi mộc có giá trị cao cung cấp cho Coats. Đẩy mạnh phát triển mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Tiếp tục củng cố các kênh bán hàng truyền thống, phát triển mới các kênh bán hàng kỹ thuật số.
 
          Xây dựng lộ trình hợp lý hóa sản xuất theo hướng tinh gọn, phù hợp xu thế, đáp ứng yêu cầu nhanh và giảm chi phí sản xuất. Xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động giỏi có sáng kiến, giải pháp cải tiến sản xuất, hợp lý hóa quản trị về nhân lực, điều hành sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực cho Tổng Công ty nhằm tạo động lực phát huy năng lực và khuyến khích CB-CNV sẵn sàng “dám nghĩ dám làm”. Tiếp tục duy trì và phát huy mạnh mẽ các nét đẹp văn hóa đã trở thành truyền thống quý báu của Tổng Công ty, tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, tính trung thực đạo đức trong sản xuất kinh doanh, sự thủy chung gắn bó với Tổng Công ty, sự chân thành cởi mở giúp đỡ lẫn nhau, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm trong công việc.… Coi đây là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng nền tảng vững chắc cho Tổng Công ty phát triển hiệu quả và bền vững.
 
          Đại hội đã biểu quyết thông qua chỉ tiêu thực hiện kế hoạch năm 2021 và kế hoạch năm 2022; Phương án phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức năm 2021; Thù lao cho HĐQT, BKS, Ban điều hành năm 2021 và dự kiến năm 2022; Tái cấu trúc các khoản đầu tư ngành nghề kinh doanh; Lựa chọn đơn vị kiểm toán năm 2022…
 
          Với mục tiêu phát triển sản phẩm mới theo chiến lược của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, ông Phạm Xuân Trình đã được phân công nhận nhiệm vụ mới tại Tập đoàn. Do đó, theo đề nghị của cổ đông Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Đại hội cũng đã thảo luận thông qua việc để ông Phạm Xuân Trình thôi giữ chức vụ TV HĐQT Phong Phú, đồng thời bầu bổ sung ông Phạm Phú Chung (TGĐ Công ty CP Dệt Đông Nam/người đại diện quản lý vốn của Tập đoàn tại Phong Phú) bổ sung vào TV HĐQT của Tổng Công ty theo thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019 – 2024. 
 
          Các vấn đề được báo cáo trình bày tại Đại hội đã được cổ đông Phong Phú thảo luận sôi nổi và biểu quyết thông qua toàn bộ các nội dung với tỷ lệ tán thành hơn 97% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
 
Tặng hoa chúc mừng ông Phạm Phú Chung được bầu bổ sung vào TV HĐQT Phong Phú
 
          Phát biểu tại Đại hội, ông Lê Tiến Trường biểu dương và đánh giá cao kết quả đã đạt được của Phong Phú trong năm 2021. Mặc dù trong điều kiện dịch bệnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, tạm dừng hoặc đóng cửa…, nhưng với sự nỗ lực và đoàn kết của tập thể CBCNV và người lao động Phong Phú đã hoàn thành xuất sắc các kế hoạch, chỉ tiêu mà ĐHĐCĐ giao, đem lại thu nhập cao cho cổ đông với mức chia cổ tức bằng tiền mặt dự kiến 30%. Đồng thời, Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường cũng đưa ra những dự báo dài hạn về thị trường, sản phẩm và những yêu cầu của thị trường trong chiến lược phát triển bền vững sản phẩm dệt may.
 
          Đặt ra các mục tiêu cho HĐQT Phong Phú trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Chủ tịch HĐQT Vinatex yêu cầu những lĩnh vực mà Phong Phú cần tập trung trong định hướng phát triển chung của Tập đoàn. Trong đó, Phong Phú cần xây dựng kế hoạch tái cấu trúc của doanh nghiệp, trong đó tập trung vào lĩnh vực mũi nhọn là dệt may. Đây cũng là tiền đề tập trung cho nguồn lực phát triển trong giai đoạn mới. Đặc biệt Phong Phú phát triển nhưng phải đảm bảo phát triển xanh: nhà máy xanh, công nghệ xanh, sản phẩm xanh… nhằm đáp ứng kịp yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, Phong Phú  cũng tập trung đầu tư quy mô sản xuất lớn để thực hiện tốt sản xuất năng lượng xanh, môi trường xanh hướng tới việc sản xuất xanh trong 10 năm tới.
 
           Để đạt được mục tiêu trên, yêu cầu đội ngũ cán bộ của Phong Phú cần không ngừng học tập, đổi mới liên tục trong các hoạt động, tiếp tục đào tạo, tuyển dụng bổ sung nguồn lực đảm bảo cho sự phát triển. Đối với lĩnh vực Sợi, Phong Phú cần nghiên cứu, giải pháp chiến lược phát triển mới bên cạnh những chiến lược, giải pháp còn mang lại hiệu quả như hiện nay. Còn đối với ngành Gia dụng, Phong Phú cần nghiên cứu để đầu tư quy mô sản xuất tập trung lớn để sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế cao thân thiện với môi trường, bởi những sản phẩm gia dụng chăn –ga – gối, khăn… có khả năng sẽ bị áp dụng những tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, sản phẩm tuần hoàn sớm hơn các sản phẩm khác của thị trường. Tiếp tục quan tâm lĩnh vực tài chính vững mạnh giúp cho Phong Phú thực hiện thành công việc tái cấu trúc sản xuất bền vững.
 
           “Thay mặt cổ đông lớn Vinatex, tôi xin trân trọng tri ân tập thể người lao động, cán bộ quản lý của Phong Phú. Cám ơn các quý cổ đông đã tin tưởng cổ đông chi phối Vinatex trong hoạt động điều hành, xây dựng KH chiến lược của Phong Phú. Trong giai đoạn tới, giai đoạn có nhiều biến động, nhiều chuyển đổi mang tính chất quan trọng rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, sự đồng hành của quý cổ đông để chúng tôi có thể triển khai xây dựng Phong Phú đến năm 2030 trở thành địa chỉ sản xuất xanh, công nghệ sạch, phát triển lên một vị thế mới, trong điều kiện thị trường khắc nghiệt hơn của ngành Dệt May Việt Nam nói chung và của Phong Phú nói riêng. Cùng với Tập đoàn thực hiện thành công mục tiêu: KIẾN TẠO NIỀM TIN – TIẾN CÙNG THỜI ĐẠI – SINH LỰC ĐỔI MỚI – TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI”, ông Lê Tiến Trường chia sẻ.