Đàm phán kết thúc, các nước đạt được thỏa thuận lịch sử TPP
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari - người phụ trách đàm phán của Nhật Bản - cho biết cuối cùng đàm phán đã kết thúc sau 1 tuần họp ở Atlanta và sau hơn 5 năm đàm phán căng thẳng.
Các nhà đàm phán đến từ 12 nước đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận thương mại bao trùm 40% nền kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari – người phụ trách đàm phán của Nhật Bản – cho biết cuối cùng đàm phán đã kết thúc sau 1 tuần họp ở Atlanta và sau hơn 5 năm đàm phán căng thẳng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama – người coi đây là yếu tố chủ chốt trong chính sách ngoại giao “xoay trục châu Á” mà Mỹ đang áp dụng – đã coi hoàn tất TPP là ưu tiên lớn nhất trong những năm cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng.
Sau khi có hiệu lực, TPP sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà Mỹ đàm phán thành công kể từ sau khi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực từ năm 1994. Cả 3 nước có trong NAFTA là Mỹ, Canada và Mexico đều tham gia TPP.
Tham gia hiệp định này, các nước cam kết giảm và miễn thuế đối với nhiều loại hàng hóa xuất nhập khẩu. Các nước cũng đồng thuận về nhiều quy định liên quan đến môi trường, quyền sở hữu trí tuệ…
12 nước tham gia TPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ.
Trong cuộc điện thoại từ Atlanta phát sóng trên VTV trong chương trình thời sự tối nay (5/10), Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết các vấn đề còn tồn đọng từ vòng đàm phán ở Hawaii như phương thức tiếp cận thị trường bơ sữa, thời gian bảo hộ độc quyền các sản phẩm thuốc sinh học hay vấn đề về thị trường ô tô đều đã được giải quyết.
Thứ trưởng cho biết tới đây các nước sẽ tiến hành rà soát các nội dung cụ thể để công bố cho người dân và doanh nghiệp.
Đại diện của Việt Nam tham gia trả lời câu hỏi của các phóng viên quốc tế trong buổi họp báo là Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Bộ trưởng khẳng định "tuy rằng trong 12 nước thành viên Việt Nam và Malaysia là những nước có nền kinh tế kém phát triển nhất, chúng tôi cam kết sẽ vượt qua mọi khó khăn và hoàn thành mọi nghĩa vụ và quyền hạn của mình. Nếu tham gia RCEP chúng tôi sẽ hành động tương tự khi tham gia TPP".
Bộ trưởng cũng nhận được một câu hỏi khác từ phóng viên của tờ New York Times về vấn đề tuân thủ các quy định về lao động. "Lao động là một trong những vấn đề quan trọng và cũng nhạy cảm nhất đối với Việt Nam trong quá trình đàm phán. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian cùng với các đối tác thảo luận về vấn đề này. Các điều kiện quy định trong TPP không phải của Mỹ hay của nước nào đó mà là của Tổ chức lao động quốc tế ILO. Việt Nam là thành viên của ILO và cam kết tuân thủ các nghĩa vụ và quyền hạn đối với vấn đề này", ông nói.