Menu  
Tin tức - Sự kiện / Tin trong ngành
Liên kết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam để tăng lợi thế cạnh tranh
 
Ngày 24-3, tại Đà Nẵng, Ban chấp hành Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) họp đánh giá tình hình xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2014 và đề ra các giải pháp kiến nghị cho hoạt động của ngành năm 2015.
 
 
Sản phẩm khăn Mollis của Tổng công ty CP Phong Phú
 
Vitas tập trung bàn một số công tác tổ chức, nhân sự BCH cho Đại hội lần thứ V (2015-2020) của Vitas dự kiến tổ chức cuối năm 2015; sự cần thiết liên kết giữa các DN trong ngành để đẩy mạnh xuất khẩu, tạo năng lực cạnh tranh; công tác chuẩn bị Hội nghị thường niên Liên đoàn thời trang châu Á AFF 2015 được tổ chức tại Việt Nam trong quý 2-2015 do Vitas giữ chức chủ tịch luân phiên AFF; tình hình đàm phán TPP, FTA; thị trường dệt may thế giới và vấn đề đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas Đặng Phương Dung, năm 2014, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường chính như Mỹ, EU, Hàn Quốc và giữ mức tăng trưởng ổn định tại thị trường Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) dệt may và xơ sợi, vải không dệt, nguyên phụ liệu dệt may toàn ngành đạt 24,692 tỷ USD, tăng hơn 17% so năm 2013. Trong đó, KNXK sang Mỹ đạt 9,82 tỷ USD, tăng 14,2% so cùng kỳ 2013; EU đạt 3,39 tỷ USD, tăng 24,2% ; sang Nhật Bản đạt 2,6 tỷ USD, tăng gần 10% và nằm trong nhóm 9 các nhà cung cấp hàng dệt may lớn vào thị trường Nhật Bản; sang thị trường Hàn Quốc đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng gần 37,8%...
Vitas có hơn 500 hội viên là DN tham gia sản xuất, kinh doanh trong ngành dệt may Việt Nam.
 
 
Năm 2015, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 28,5 tỷ USD, tăng 14,5 đến 15% so năm 2014. Các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Thị trường Mỹ tăng 13% so năm 2014 đạt hơn 11 tỷ USD, các DN trong ngành kỳ vọng khi FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết, tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU sẽ khởi sắc, dự báo kim ngạch sang EU duy trì tăng trưởng đạt hơn 4 tỷ USD. Với lực lượng đông đảo DN FDI Hàn Quốc trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam kể từ khi ký Hiệp định FTA ASEAN-Hàn Quốc và hiện nay vừa kết thúc đàm phán FTA song phương, thì các DN dệt may của Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tăng trưởng KNXK ...
Nhiều ý kiến đại diện cho các chi hội dệt may trên cả nước nêu những vướng mắc của DN. Chi hội trưởng chi hội dệt may đồng bằng Bắc Bộ Bùi Đức Thịnh cho rằng, DN khi đầu tư mở rộng sản xuất các DN thiếu nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật. Do đó cần sự liên kết giữa DN với các trường đào tạo nghề để cung cấp nguồn nghân lực này cho DN. Đồng tình với Vitas cần có sự liên kết mạnh nẽ hơn nữa trong các DN may và DN sản xuất nguyên phụ liệu, Chi hội trưởng dệt may Nam Trung Bộ, Đặng Trang nhận định để tận dụng lợi thế của FTA, TPP là các DN may sử dụng nguyên phụ liệu của Việt Nam sản xuất thì cần sự liên kết để biết DN may cần sử dụng nguyên phụ liệu gì? Qua đó tăng cường liên kết giữa DN may với DN sản xuất nguyên phụ liệu.
Cần xây dựng, phát triển hai trung tâm nguyên phụ liệu phía bắc và phía nam để giới thiệu cho khách hàng chủ động trong khâu nguyên phụ liệu. Các DN cũng có thể cùng nhau đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu thông qua việc các DN may cùng góp vốn đầu tư cho DN có năng lực lớn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nguyên phụ liệu.
Chia sẻ về giữ chân nguồn nhân lực của DN, Chi hội trưởng dệt may Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, DN quan tâm chăm lo người lao động là DN đã giữ chân người lao động gắn bó với DN. Tại Tổng công ty May 10, công tác chăm lo đời sống người lao động là truyền thống, là trách nhiệm mà lãnh đạo DN này coi trọng, công nhân có nhà gửi trẻ, có trung tâm y tế khám chữa bệnh… người lao động cảm thấy đây là môi trường làm việc tốt nhất, được quan tâm nhất ngay khi người công nhân ký hợp đồng làm việc, May 10 đã tặng mũ bảo hiểm in logo của DN.
Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang đánh giá cao các ý kiến đóng góp giúp cho Vitas trong thời gian tới hoạt động hiệu quả hơn nữa. Thời gian tới, Vitas xây dựng chương trình hành động giai đoạn 2015-2020; xây dựng các chương trình về xúc tiến thương mại, tổ chức cho các DN sinh hoạt theo chuyên đề. Vitas định hướng các DN ngành dệt may Việt Nam tận dụng mọi ưu đãi sau khi ký kết các FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan; tập trung vào thị trường ASEAN, tận dụng mở cửa của cộng đồng kinh tế ASEAN từ năm 2015.
Vitas đề nghị Nhà nước hỗ trợ về công nghệ, đào tạo nhân lực cho các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và có Quy hoạch công nghiệp hỗ trợ và có chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất xơ sợi, dệt nhuộm hoàn tất, sản xuất phụ liệu và sử lý nước thải. Đề nghị không khuyến khích các DN FDI đầu tư sản xuất may….
LIÊN HOA