Một hiệp định khác EVFTA cũng sẽ được thông qua trong 2019, thị trường châu Âu hiện đang đứng thứ 2 trong xuất khẩu của dệt may Việt Nam. Theo đó, các dòng thuế quan và những tiêu chuẩn kỹ thuật trong xuất khẩu sẽ tạo nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt.
Các doanh nghiệp sản xuất sợi và doanh nghiệp dệt may sở hữu chuỗi cung ứng khép kín như Tổng công ty CP Phong Phú (Mã Chứng khoán: PPH), Sợi Thế Kỷ (STK), Dệt may Thành Công (TCM)… sẽ hưởng lợi trực tiếp nhờ đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ các hiệp định thương mại, việc cắt giảm thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Bà Bùi Kim Thùy, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam, chia sẻ “Quy tắc linh hoạt cho phép thành phẩm dù linh hoạt xuất xứ 10% nhưng vẫn có ưu đãi thuế quan đặc biệt”.
Cụ thể như ngành sợi, có xuất xứ được phép chiếm không quá 10% trọng lượng vải sử dụng để tạo nên thành phẩm. Ví dụ, trong 100 tấn sợi, doanh nghiệp dệt may có quyền "linh hoạt" 10 tấn vẫn được hưởng ưu đãi. Quy tắc này chỉ áp dụng duy nhất trong ngành dệt may về trọng lượng.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu lớn tại thị trường EU như May Sông Hồng (30%), May Sài Gòn (32%), TNG (58%), May 10 (36%) và Vinatex (17%) sẽ hưởng lợi gián tiếp nhờ sự tăng trưởng đơn hàng từ các đối tác thời trang lớn.
Nhìn từ góc độ kinh tế, cơ hội đầu tư kinh tế Mỹ và EU được dự báo tăng trưởng ổn định giúp kích cầu tiêu dùng hàng may mặc. Theo quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Mỹ và EU trong năm 2019 sẽ giảm nhẹ tăng trưởng so với cùng kỳ tuy nhiên vẫn ở mức tích cực, lần lượt là 2,5% và 1,9%.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định, đặc biệt từ hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và EU sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc, giúp duy trì sản lượng nhập khẩu từ các nước.
Cùng với ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ doanh nghiệp Trung Quốc sang các thị trường lân cận cũng sẽ gia tăng. Điều này sẽ làm tăng sản lượng đơn hàng dệt may gia công tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng kéo theo áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Những điểm nghẽn của ngành
Nhìn lại 2018, nhiều yếu tố tác động nhưng “Dệt may vẫn hết sức thắng lợi khi tăng trưởng đạt 16,6%, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2010 trở lại đây”, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex chia sẻ tại hội thảo Bộ Công thương.
Năm qua, có 10 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất trên thế giới có tốc độ tăng trưởng ở mức 5%. Nhưng Ấn Độ và Bangladesh (nằm trong top 5 xuất khẩu thế giới) tụt giảm đưa Việt Nam từ vị trí thứ 4 về xuất khẩu lên vị trí thứ 2, sau Trung Quốc.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), phân tích “Lợi thế cạnh tranh về nhân công giá rẻ tại Việt Nam đang suy giảm”. Kéo theo đơn hàng có thể dịch chuyển sang các thị trường lân cận như Bangladesh, Pakistan, Campuchia, Myanmar.