Menu  
Tin tức - Sự kiện / Tin trong ngành
Xuất khẩu dệt may sang EEU được kỳ vọng tăng trưởng 50%
 
Ngay sau khi có hiệu lực, FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU) sẽ có ưu đãi thuế quan đối với nhiều nhóm hàng của Việt Nam như nông sản, dệt may, da giầy, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến...       
Theo đó, đối với mặt hàng thủy sản, EEU sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng và số lượng không hạn chế. Đối với dệt may, da giầy, phần lớn mặt hàng có mức thuế suất về 0%, số còn lại cũng sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình cam kết. Về tổng thể, hai bên sẽ dành cho nhau mức mở của thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương 90% kim ngạch thương mại song phương. Về đầu tư, Nga và các nước thành viên EEU sẽ đầu tư vào Việt Nam các dự án về công nghiệp chế tạo, cơ khí, khai khoáng…; ngược lại Việt Nam sẽ đầu tư và các nước thành viên EEU các dự án về công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ, dệt may, da giầy…
 
 
Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex chia sẻ những cơ hội từ EEU-FTA
 
Hướng đến mục tiêu top 5 các nước xuất khẩu dệt may vào EEU
Chia sẻ những cơ hội từ EEU-FTA, ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May (Vitas), Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết,dung lượng nhập khẩu dệt may của EEU  là 16 tỷ USD vào năm 2014, trong đó Nga nhập khẩu 13 tỷ USD, Kazakhstan và Belarus nhập trên 1 tỷ USD. Đối tác chủ yếu của EEU, ngoài thương mại nội khối thì Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Bangladesh là các đối tác chính. Việt Nam hiện đang đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu Dệt may vào EEU với kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD.
Thời gian vừa qua, kim ngạch thương mại dệt may giữa Việt Nam và EEU còn hạn chế và khiêm tốn so với tiềm năng của cả hai phía. Bên cạnh đó, EEU có đặc thù về văn hóa kinh doanh khác so với Việt Nam đơn cử như ký kết hợp đồng thương mại tại các quốc gia liên minh EEU còn rườm rà và nhiều điều khoản so với các đối tác khác. Tuy nhiên, Hiệp định thương mại kinh tế Việt Nam - EEU lần này đang có những bước tiến triển trong đàm phán xúc tiến thương mại về Quy tắc xuất xứ, thuế quan cho các nhóm hàng ưu đãi trong đó có dệt may.
Với sự cam kết hợp tác từ các chính phủ, sự nỗ lực thúc đẩy giao thương từ doanh nghiệp các quốc gia trong EEU cùng những diễn biến kinh tế - chính trị trên thế giới thuận lợi, dự kiến sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EEU được kỳ vọng tăng trưởng khoảng 50% trong năm đầu tiên, và khoảng 20% trong năm tiếp theo. Trong vòng 3 – 5 năm tới, Việt Nam có thể vươn lên đạt mức kim ngạch xuất khẩu tương đương với các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh, Ấn Độ và nằm trong Top 5 các nước xuất khẩu dệt may vào EEU.
 
Sẵn sàng đón FTA Việt Nam - EEU
FTA này một mặt đem lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam song cũng đặt ra những thử thách mới phải vượt qua. Tại sự kiện công bố các nội dung của Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Đừng nghĩ đây là những thị trường dễ tính như chúng ta vẫn suy nghĩ. Chúng ta phải cạnh tranh bằng chất lượng, làm ăn nghiêm chỉnh, phải thấy thuận lợi, lợi thế để phát huy nhưng cũng phải thấy khó khăn để cùng nỗ lực vượt qua. Tất cả là vì lợi ích của đất nước, sự phát triển của nền kinh tế, là công ăn việc làm của người dân”.
Để có thể tận dụng tốt cơ hội và tiềm năng của FTA Việt Nam - EUU mang lại, theo ông Lê Tiến Trường, Vinatex cũng như Vitasđã có kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp mang tính định hướng và đồng bộ. Bên cạnh tuyên truyền về các cơ hội mới đến từ Hiệp định cho các doanh nghiệp, cũng như giới thiệu thông tin về cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác EEU, Vinatex và Vitas sẽ chủ động tham gia và tổ chức các đoàn doanh nghiệp thăm EEU để gia tăng cơ hội phát triển kinh doanh. Ngoài ra, Vinatex cũng hoan nghênh các doanh nghiệp dệt may EEU đến hợp tác đầu tư tại Việt Nam, tại các KCN của Vinatex, tăng cường hợp tác theo hình thức liên loanh, liên kết với các công ty thương mại trong khối để thúc đẩy kim ngạch XNK hàng dệt may giữa các bên.
Ngành Dệt May Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 5,9 tỷ USD năm 2006 lên 24,5 tỷ USD năm 2014, đạt mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Hiện nay Việt Nam đang là nhà cung cấp hàng may mặc lớn thứ 2 vào Mỹ, thứ 2 vào Nhật Bản và thứ 5 vào EU.Cùng với diễn biến thuận lợi của kinh tế thế giới, việc ký kết Tuyên bố chung kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan trong tháng 12/2014, và những bước tiến tích cực trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và FTA Việt Nam - EU, cho thấy năm 2015 được dự báo sẽ là một năm tiếp tục phát triển tốt của ngành Dệt May Việt Nam.
Theo TĐDMVN