Dù có năng lực cạnh tranh tốt nhưng dệt may Việt Nam đang gặp phải thách thức lớn là năng suất lao động thấp, nguyên liệu dệt, nhuộm thiếu trầm trọng.
Tại hội thảo “Công nghiệp dệt may Việt Nam và bước ngoặt hội nhập lớn” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/3, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho hay, khi tham gia vào TPP, dệt may Việt Nam được đánh giá là có lợi thế cạnh tranh lớn. Minh chứng rõ nét nhất là giai đoạn 2007-2014 khi chưa có hiệp định thương mại nào mới, nhiều quốc gia xuất khẩu giảm thì chỉ có Việt Nam giữ được mức tăng trưởng trên 10% (hoàn toàn dựa vào năng lực cạnh tranh). Nếu so về năng suất kỹ thuật, ngành may Việt lọt top 3 thế giới.
“Tuy nhiên, để có được lợi ích lớn này Việt Nam cũng phải trải qua nhiều thách thức và rào cản về vấn đề nguyên liệu. Điển hình là năm 2015, Việt Nam xuất được 27,5 tỷ USD thì phải nhập tới 14 tỷ USD nguyên liệu, chỉ có 13,5 tỷ USD ở trong nước. Trong 13,5 tỷ USD đó chúng ta chi 6 tỷ USD để trả tiền lương, hơn 7 tỷ còn lại là nguyên liệu nội địa. Như vậy, Việt Nam cần khắc phục khâu đầu vào về nguyên liệu”, ông Trường nói.
Dệt may Việt Nam gặp khó khăn ở khâu nguyên liệu.
Tổng giám đốc Vinatex cũng đưa thêm dẫn chứng, tại Việt Nam, nếu đầu tư một vị trí làm của công nhân may thì doanh nghiệp chỉ cần 3.000 USD (con người và công nghệ), nhưng nếu đầu tư vị trí công nhân sợi hoặc dệt thì phải mất 200.000 USD. Như vậy, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đầu tư vào dệt, nhuộm là vô cùng khó khăn. Nếu đầu tư mạnh cho 2 nhóm này thì Việt Nam cần phải có 15 tỷ USD.
“Đây là con số thực sự thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước. Vì vậy, khi thị trường mở cửa, việc nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư là không thể tránh khỏi. Cho nên, để thị trường cạnh tranh tốt, Nhà nước cần quản lý cho đúng quy hoạch, có thể chế pháp luật chặt chẽ cả về công nghệ lẫn bảo vệ môi trường. Có như vậy, giá trị đem lại cho ngành dệt may mới có chuyển biến tích cực sau khi tham gia TPP”, ông Trường nhấn mạnh.
Còn đối với các doanh nghiệp trong nước, ông Trường đưa ra đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau tạo ra chuỗi giá trị chung. Nếu toàn bộ doanh nghiệp Việt cùng liên kết chặt chẽ thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó mà làm giá nguyên liệu, thị trường sẽ cạnh tranh lành mạnh và công bằng.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng cho rằng, để thực hiện hóa cơ hội hội nhập, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cần thay đổi thể chế, tạo chính sách tốt để doanh nghiệp phát triển, Đồng thời, cần điều hành sao cho môi trường cạnh tranh minh bạch tăng lên.
Còn theo Giáo sư Hansjorg Herr (Berlin School of Economics - Đức), Việt Nam không nên thả cho thị trường quyết định tất cả song Chính phủ cần tạo môi trường điều phối giữ cơ quan quản lý với doanh nghiệp, họ tiếp cận nhanh hơn với nền kinh tế sáng tạo. Bên cạnh đó, cần có chính sách công nghiệp, giải pháp phòng vệ tốt để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
Về phía doanh nghiệp, các hiệp hội và liên đoàn lao động cần liên kết cùng nhau để nâng cao kỹ năng cho người lao động, hướng dẫn cho họ tạo ra năng suất cao. Khi năng lực sản xuất tốt thì Việt Nam sẽ dễ dàng leo cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.