Kỷ niệm 50 năm thành lập (14/10/1964-14/10/2014), bên cạnh niềm tự hào luôn là một trong những đơn vị mạnh nhất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong nhiều bối cảnh thăng trầm khác nhau, Tổng công ty CP Phong Phú vẫn tiếp tục nỗ lực hướng tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD từ nay đến năm 2020.
Tạo tiền đề vững chắc
Với tiền thân là Khu kỹ nghệ Sicovina thành lập từ năm 1964, sau giải phóng miền Nam năm 1975, Phong Phú là một trong những công ty mở cửa hoạt động trở lại sớm nhất. Tuy nhiên, giai đoạn trước đổi mới từ năm 1975-1986, Phong Phú hoạt động vô cùng khó khăn dưới cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp như bao doanh nghiệp (DN) khác thời bấy giờ.
Hòa vào luồng gió đổi mới từ năm 1986-2001, Phong Phú đã có một sự chuyển mình mạnh mẽ cả về lượng và chất với phong trào sáng kiến cải tiến công nghệ, máy móc thiết bị; đổi mới tư duy sản xuất và kinh doanh. Đây là giai đoạn Phong Phú đặt những nền móng đầu tiên cho chuỗi phát triển bền vững sau này bằng việc tìm tòi, sản xuất các sản phẩm cốt lõi của riêng mình như: khăn bông, vải jean… Năm 1989, công ty còn chủ động liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp Coasts (Anh) nổi tiếng thế giới, để sản xuất chỉ may cung cấp cho thị trường may mặc Việt Nam và xuất khẩu. Từ đó đến nay liên doanh này luôn tăng trưởng và là một trong những liên doanh nước ngoài thành công nhất ở Việt Nam.
Một góc dây chuyền sản xuất khăn bông
Tuy nhiên đáng nói nhất là từ năm 2001 đến nay, Phong Phú đã xác định được hướng đi đúng đắn là phát triển ngành nghề cốt lõi tạo giá trị gia tăng nên đã có bước phát triển ngoạn mục ngay trong bối cảnh khó khăn nhất của ngành dệt may. Đó là từ năm 2001, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO và chuyển đổi từ sở hữu nhà nước sang tư nhân, chỉ trong vòng 10 năm, Trung Quốc đã phát triển mạnh và đánh bật các DN dệt trên thế giới trong đó có Việt Nam, với giá rẻ chưa từng có. Ngành dệt Việt Nam hầu như bị tê liệt từ năm 2001-2011 và rất nhiều DN dệt hàng đầu của Việt Nam đã bị đánh bại trong giai đoạn này.
Trong bối cảnh đó, Phong Phú vẫn cố gắng duy trì được sản xuất từ sợi-dệt-nhuộm đến vải và tiến tới chủ động trong nguyên liệu sản xuất ODM. Cũng trong giai đoạn này, ngoài việc cố gắng duy trì hoạt động dệt may, Phong Phú đã chủ động dịch chuyển một phần sang đầu tư tài chính và bất động sản để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư lại cho dệt may. Song hành là sớm quay về đầu tư cho thị trường nội địa bằng những sản phẩm cao cấp như khăn bông, vải jean… vừa tránh được cạnh tranh ở phân khúc giá rẻ, vừa tạo dựng được thị trường nội địa khá vững chắc.
Một góc nhà máy sợi hiện đại nhất Đông Nam Á
Nhờ hướng phát triển đúng đắn, hiện Phong Phú đã đi đều trên cả hai chân: xuất khẩu và nội địa với doanh số dự kiến cho năm 2014 là 7.300 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu chiếm 218 triệu USD và nội địa khoảng 3.000 tỷ đồng. Các sản phẩm khăn bông mang thương hiệu Mollis của công ty trở thành thương hiệu nổi tiếng ở thị trường nội địa (chiếm 30% thị phần khăn cao cấp ở Việt Nam), đáp ứng tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng việc sản phẩm được phủ khắp các hệ thống siêu thị và được khách hàng đánh giá cao. Mỗi năm Phong Phú cũng cung cấp khoảng 20 triệu mét vải jean (chiếm 40% thị phần), 1.800 tấn chỉ may/năm cho thị trường nội địa, và 3.600 tấn cho liên doanh Coast Phong Phú để cung cấp khoảng 60% thị phần chỉ may cho các DN may xuất khẩu ở Việt Nam…
Bên cạnh những thành tựu về kinh doanh, con người cũng là một tài sản vô giá được Phong Phú đặc biệt quan tâm và đào tạo. Thu nhập người lao động không ngừng tăng cao (năm 2013, bình quân 5,3 triệu đồng/người/tháng). Công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV); mua vé xe cho công nhân về quê ăn tết. Đặc biệt, chung cư Nhân Phú với giá ưu đãi dành cho CBCNV đã đi vào sử dụng từ tháng 9/2014 và nhà trẻ 24/24 giờ phục vụ cho công nhân yên tâm làm việc.
Với những thành tựu trên đây cùng chiến lược phát triển đúng đắn và linh hoạt qua từng giai đoạn, thực sự là tiền đề vững chắc để Phong Phú phát triển bền vững trong tương lai.
Một số sản phẩm thương hiệu Phong Phú
Năm 1975 doanh thu Phong Phú chỉ có 12 triệu đồng. Đến 2014 con số đó ước đạt 7.300 tỷ đồng trong đó xuất khẩu hơn 200 triệu USD, nội địa gần 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 312 tỷ đồng. Sản phẩm khăn bông cao cấp, vải jean và chỉ cho ngành may là những sản phẩm chủ lực và uy tín của Phong Phú ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Mục tiêu của Phong Phú đến 2020 trở thành một thương hiệu mạnh với doanh số 1 tỷ USD.
Phát triển bền vững, vươn tới tầm cao trong tương lai
Trả lời cho câu hỏi: Với những thành tựu đó thì Phong Phú sẽ làm gì trong vòng 5 năm tới?, ông Phạm Xuân Trình- Tổng giám đốc tổng công ty- khẳng định: Phong Phú luôn có một tinh thần đoàn kết và minh bạch trong hoạt động, không tự mãn mà luôn hướng tới sự hoàn thiện. Cụ thể, tổng công ty đang xây dựng tầm nhìn chiến lược trong tương lai để trở thành một tổ chức kinh tế hùng mạnh, đạt 1 tỷ USD doanh số giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Để đạt được mục tiêu trên, trong vòng 5 năm tới, Phong Phú tiếp tục mở rộng đầu tư vào khăn bông, dệt nhuộm... nhằm tận dụng những cơ hội mà Hiệp định TPP sắp tới mang lại, đồng thời mở rộng sang phát triển lĩnh vực giặt ủi và đầu tư tài chính. Cụ thể, giai đoạn 2015-2016 Phong Phú sẽ đầu tư 2 nhà máy dệt có quy mô lớn tại Nha Trang và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (dự kiến mỗi năm, công ty sẽ đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng cho lĩnh vực dệt, sợi..). Tháng 10/2014, công ty đưa vào hoạt động công ty giặt ủi (Linen Supply Services –LSS Co Ltd) liên doanh với Nhật để cung ứng dịch vụ giặt ủi và cho thuê khăn áo choàng, chăn, drap… cho hệ thống khách sạn 5 sao và căn hộ dịch vụ cho thuê tại Việt Nam, giảm thiểu vấn đề môi trường trong giặt ủi tại các khách sạn hiện nay. Về phát triển đầu tư tài chính, công ty sẽ tập trung vào lĩnh vực M&A ngay trong ngành dệt may Việt Nam.
Với chiến lược phát triển bài bản, cụ thể trên thì mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu sẽ không còn là tương lai xa đối với tổng công ty có bề dày 50 năm phát triển như Phong Phú.