Việc ký kết các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (FTA) và Hiệp định Thương mại hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự báo sẽ hoàn tất trong năm 2015. Khi các hiệp định này có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam vào các nước tham gia ký kết sẽ được hưởng ưu đãi về thuế quan, đây sẽ là cơ hội lớn, nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức không nhỏ…
Công nhân Phong Phú đang may biên khăn
Nhiều cơ hội cho hàng xuất khẩu
Theo các chuyên gia kinh tế, khi Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định FTA và TPP, nhiều mặt hàng XK của chúng ta vào Liên minh châu Âu, Mỹ và Nhật Bản… thuế suất sẽ giảm mạnh. Trong đó, nhóm nông, lâm, thủy sản và thời trang sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục chế biến, nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết, hiện sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã XK tới hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khi Việt Nam tham gia vào FTA, nhóm ngành hàng thủy sản, cà-phê nguyên liệu, chè nguyên liệu, bột ca-cao, tinh bột, rau, củ, quả chế biến sẽ hưởng thuế suất 0% khi XK vào các nước LB Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa được thị trường cho hàng hóa XK, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển, tăng thu nhập cho nông dân. Theo Bộ NN và PTNT, năm 2014, kim ngạch XK của toàn ngành đạt con số kỷ lục hơn 30,8 tỷ USD. Trong đó, có 10 nhóm sản phẩm XK như cà-phê, gạo, cao-su, điều, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, sắn và các sản phẩm sắn, tôm, cá tra đạt hơn 1 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, tại một hội nghị do Bộ NN và PTNT phối hợp Bộ Công thương tổ chức cuối năm 2014 tại TP Hồ Chí Minh, ông R. Đê-khơ (Chuyên gia của Trung tâm xúc tiến Nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển, thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan) cho rằng, ngành nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều điểm yếu và thiếu. Cụ thể, cái thiếu của Việt Nam hiện nay là thương hiệu và XK sản phẩm thô quá nhiều. Điều đó làm cho giá trị sản phẩm XK chưa mang lại lợi nhuận cao. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết lại để tạo thế chủ động trong sản xuất, kinh doanh và xây dựng cho mình một thương hiệu mạnh, ổn định là điều cần phải làm ngay lúc này.
Cũng theo Bộ NN và PTNT, hiện các doanh nghiệp cả nước đã và đang đầu tư hơn 6.000 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp hiện đại. Riêng chế biến hàng nông sản có khoảng hơn 2.000 cơ sở; chế biến thủy sản gần 570 cơ sở; chế biến gỗ hơn 3.000 cơ sở. Trong đó, các nhà máy chế biến thủy sản, nhân hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ… đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng đối với các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Đầu tư mạnh vào dệt may
Khi Việt Nam ký kết Hiệp định TPP và FTA, thời trang, dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều nhất nên nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đổ vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện XK hàng may mặc, thời trang sang thị trường Mỹ đang có thuế suất trung bình là 17,5%, khi hiệp định TPP có hiệu lực, thuế suất mặt hàng này sẽ giảm xuống 0%. Chánh Văn phòng Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) TP Hồ Chí Minh (Hepza) Trần Công Khanh cho biết, đón đầu các Hiệp định TPP và FTA với làn sóng đầu tư mới vào các KCX-KCN, thành phố đã chỉ đạo Hepza tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các dự án dệt may, thời trang. Ngay từ đầu năm 2015, UBND thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho hai dự án chuyên về lĩnh vực dệt may. Theo đó, Công ty TNHH Worldon Việt Nam thuộc Tập đoàn Gain Lucky (Anh) chuyên thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp đầu tư tại KCN Đông Nam, huyện Củ Chi tăng vốn đầu tư từ 140 triệu USD lên 300 triệu USD. Còn Công ty TNHH Nobland Việt Nam thuộc Tập đoàn Nobland International Inc (Hàn Quốc) chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc tại KCN Tân Thới Hiệp, quận 12, tăng vốn đầu tư từ 43 triệu USD lên 61 triệu USD để nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất cho ba nhà máy có tổng công suất hơn 74 triệu sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư tăng thêm của hai dự án này là 178 triệu USD.
Về việc tăng vốn vào lĩnh vực dệt may, không thể không nhắc đến Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Tập đoàn này đang đầu tư xây dựng và mở rộng thêm 51 dự án chuyên về lĩnh vực thời trang, trong đó có 14 dự án sản xuất sợi, 15 dự án dệt - nhuộm, 15 dự án may. Tổng mức đầu tư cho những dự án sản xuất sợi của tập đoàn này lên đến hơn 2.940 tỷ đồng, dệt nhuộm hơn 2.520 tỷ đồng. Theo Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường, trong hai năm 2015 - 2016, tập đoàn sẽ tập trung đầu tư thêm 10 dự án về sợi, dệt, nhuộm… Dự kiến đến năm 2016, khi toàn bộ các dự án đầu tư này hoàn thành, tổng năng lực sản xuất vải từ nguồn sợi tại chỗ của Vinatex sẽ tăng lên 100 triệu mét, tăng thêm 40% so với năng lực hiện nay. Trong đó, vải dệt kim tăng thêm 20 nghìn tấn/năm (tăng gấp đôi).
Cũng theo Vinatex, khi các dự án đầu tư mới hoàn thành sẽ đưa tổng lượng vải của tập đoàn này sản xuất ra lên mức khoảng 300 triệu mét, đáp ứng hơn 50% nhu cầu vải của các doanh nghiệp may thuộc tập đoàn…
Theo Bộ Công thương, kim ngạch XK dệt may của Việt Nam năm 2014 đạt hơn 24,4 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2013. Dự kiến năm 2015, kim ngạch XK của toàn ngành dệt may sẽ đạt hơn 28,3 tỷ USD.