Năng suất lao động được xem là vấn đề quan trọng để tạo nên giá trị lớn cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc phát huy hiệu quả công việc của nhân viên bắt nguồn từ công tác xây dựng định mức và quản lý các định mức ấy.
Tại hội thảo Tổng kết một số sáng kiến trao đổi kinh nghiệm trong quản lý sản xuất và kinh doanh được Tổng công ty CP Phong Phú tổ chức vào ngày 12/02/2015 đa số anh chị em thảo luận xoay quanh vấn đề chính: Làm thế nào để đưa năng suất lao động ở mức cao nhất. Đây không chỉ là vấn đề quan tâm của Phong Phú mà còn nhiều doanh nghiệp khác trong và ngoài ngành. Bởi lẽ công tác quản lý nhân sự để nâng cao hiệu suất lao động hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.
Trong những năm qua nhiều hiệp ước quan trọng đã được ký kết và TPP đang giai đoạn đàm phán nước rút làm cho làn sóng đầu tư đang chuyển dịch mạnh mẽ vào Việt Nam, nhất là dệt may, các dịch vụ cung ứng cho ngành cũng được chú trọng phát triển mạnh mẽ. Do đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung và Phong Phú nói riêng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sức cạnh tranh về chất lượng, giá cả của nguyên liệu và sản phẩm đầu cuối.
Ông Phạm Xuân Trình phát biểu chỉ đạo
Bà Bạch Thị Kim Cương - Phó Trưởng ban kiêm trưởng Phòng Nghiệp vụ Gia dụng đưa ra ý kiến: “chúng ta cần xây dựng một chuẩn giá chung để giảm thiểu nhiều công đoạn, đưa ra nhiều cấp thiết kế cho từng loại sản phẩm, mỗi nhân viên thiết kế và kinh doanh cần xây dựng tiêu chuẩn cho công việc và chủ động trong công tác xúc tiến khách hàng”. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Thịnh - Trưởng ban quản lý Hệ thống sản xuất Vải cho biết: “nhân viên kinh doanh cần chuyên nghiệp hóa trong từng công đoạn làm việc, am hiểu sản phẩm và quy trình”.
Đối với khối sản xuất việc đánh giá nhân viên dựa vào số lượng và chất lượng sản phẩm, công suất hoạt động máy, ông Trần Hoàng Thảo - Trưởng ban Sợi chỉ may chia sẻ: “thiết lập một định mức chung cho công việc để từ đó mỗi nhân viên hoàn thành, đồng thời xác định thời gian và sản lượng ở từng vị trí cụ thể, có như vậy mới khuyến khích được khả năng làm việc của anh chị em CB.CNV”.
Tuy nhiên, hiệu quả công việc được tạo ra từ môi trường làm việc tốt, người nhân viên giỏi và cán bộ quản lý có năng lực tốt. Ông Phạm Xuân Trình - Tổng giám đốc Tổng công ty cho biết: người quản lý giỏi phải đạt được bốn bước sau: thứ nhất là lập kế hoạch, thứ hai là triển khai, thứ ba là kiểm tra và đánh giá và cuối cùng là điều chỉnh. Ở mỗi bước thực hiện cần xác định được phương hướng, mục tiêu và đặc biệt là định mức công việc. Quản lý tạo ra năng suất cao trước tiên phải xây dựng định mức cho tất cả các vị trí công việc một cách chi tiết, cụ thể và rõ ràng. Khi có tiêu chuẩn và định mức công việc tìm kiếm các ứng cử viên đáp ứng được các yêu cầu định mức đề ra và luôn kiểm tra, giám sát, đào tạo và sửa chữa để hoàn thành công việc nhanh nhất với hiệu quả mang lại cao nhất.
Bất kỳ nhân viên ở vị trí công việc nào cũng phải ý thức được trách nhiệm, vai trò và mức độ hoàn thành công việc để từ đó lượng giá được giá trị mà mình mang lại. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến công tác đào tạo đội ngũ để đáp ứng được yêu cầu công việc chứ không phải lấy nhân viên làm chuẩn để điều chỉnh công việc theo năng lực.
Phong Phú với truyền thống lao động sản xuất cần cù, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đội ngũ CB.CNV giỏi chuyên môn và tay nghề. Đây được xem là lợi thế cũng như yếu điểm nếu chúng ta phát huy không đúng mục tiêu làm chai lỳ đội ngũ. Hy vọng ở mỗi vị trí công việc của mình, anh chị em CB.CNV sẽ phát huy hết sức mình đóng góp vào sự nghiệp chung của Tổng công ty trên bước đường phát triển mới.