Menu  
Tin tức - Sự kiện / Tin tức sự kiện Phong Phú
Hội nghị phổ biến nội dung Hiệp định TPP về dệt may
 
Những nội dung chi tiết về Hiệp định TPP phần dệt may được lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương và lãnh đạo Vinatex, Phong Phú trao đổi, phân tích sâu sắc những thời cơ và thách thức dưới góc độ doanh nghiệp.
 
Bà Đỗ Thị Thu Hương - Cục phó Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương là báo cáo viên chính của chương trình, bà nêu lên những vấn đề cốt lõi của Hiệp định là Quy tắc xuất xứ hàng hóa và lộ trình xóa bỏ thuế quan đối với các mặt hàng dệt may. Việc đáp ứng Quy tắc xuất xứ rất quan trọng trong chiến lược phát triển sắp tới của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung và Phong Phú nói riêng. Việc xác định này làm tiền đề để các doanh nghiệp đánh giá năng lực nội tại của mình, có hướng đầu tư đúng đắn để hưởng lãi suất thuế quan từ TPP.
 
 
Hội nghị phổ biến nội dung Hiệp định TPP về dệt may tại Phong Phú
 
Với dệt may, quy tắc xuất xứ chủ đạo là “từ sợi trở đi” hay được gọi quy tắc “3 công đoạn”, nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối TPP. Quy tắc này khuyến khích phát triển ngành công nghiệp dệt may theo ngành dọc, đầu tư phát triển ngành sợi, vải, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng trong nội khối TPP và khối cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, Hiệp định quy định một số trường hợp có quy tắc xuất xứ linh hoạt hơn.
 
Theo đó, 3 nhóm hàng may mặc được áp dụng quy tắc xuất xứ 1 công đoạn, cắt và may, gồm: vali, túi xách, áo ngực phụ nữ, quần áo trẻ em bé bằng sợi tổng hợp. Danh mục nguồn cung thiếu hụt gồm 194 loại sợi, vải được phép sử dụng từ ngoài khu vực TPP, trong đó 186 mặt hàng sẽ được áp dụng vĩnh viễn và 8 mặt hàng chỉ được áp dụng cơ chế này trong 5 năm.
 
Cơ chế 1 đổi 1 áp dụng với quần nam nữ bằng vải bông xuât khẩu sang Hoa Kỳ, doanh nghiệp mua 1 đơn vị vải bông thích hợp làm quần có xuất xứ từ Hoa Kỳ sẽ được phép sử dụng 1 đơn vị vải bông nhập khẩu từ ngoài khu vực TPP để may quần xuất khẩu sang Hoa Kỳ và hưởng thuế 0%. Tỷ lệ quy đổi giữa vải bông xuất xứ Hoa Kỳ và vải bông được phép nhập khẩu ngoài khối TPP khác nhau giữa quần nam và quần nữ.
 
Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex nhấn mạnh khó khăn lớn nhất của dệt may Việt Nam là đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa. Do đó, những doanh nghiệp lớn phải tăng quy mô, tăng đầu tư cho chuỗi cung ứng của mình để hưởng ưu đãi theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định. Ông đánh giá cao chuỗi cung ứng khép kín từ sợi  - dệt - nhuộm - may của Phong Phú và đưa ra một số định hướng mang tính chiến lược cho Tổng công ty.
 
Ông Trường thông tin thêm, việc Hiệp định TPP cho phép nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ, tăng thuế ưu đãi trở lại mức thuế MFN nếu lượng nhập khẩu từ các nước TPP có khả năng gây ra hoặc gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất trong nước. Khi áp dụng biện pháp tự vệ, nước nhập khẩu phải có giải pháp đền bù thiệt hại về kinh tế mà nước xuất khẩu phải gánh chịu do không được hưởng thuế ưu đãi như trong Hiệp định cũng gây ra những bất lợi cho hàng hóa của các nước.
 
Đối với chuỗi cung ứng khép kín của mình, Phong Phú đang cũng cố nội lực, mở rộng sản xuất, đầu tư những dự án mới. Ông Phạm Xuân Trình - Tổng giám đốc Tổng công ty cho biết mục tiêu của Phong Phú chính là tận dụng những thế mạnh của Hiệp định để tăng tốc phát triển thông qua những sản phẩm chủ lực. “Ngoài tăng tốc đầu tư, chúng tôi tăng cường mở rộng thị trường đối với các nước trong nội khối TPP như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Singapore…”, ông nhấn mạnh.
 
Phòng TT&QL thương hiệu