Menu  
Tin tức - Sự kiện / Tin tức sự kiện Phong Phú
Đầu tư chuỗi cung ứng khép kín: Tăng lợi thế kinh doanh
 
Nhiều doanh nghiệp (DN) đang tích cực đầu tư vào chuỗi cung ứng để tìm lợi thế kinh doanh tại thị trường Việt Nam cũng như xuất khẩu. 
Chuỗi cung ứng khép kín của Tổng công ty CP Phong Phú.
 
Tăng tốc cho chuỗi cung ứng
 
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), năm 2015, tổng kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Việt Nam tăng trưởng khoảng 20%, đạt 45 tỷ USD, kỳ vọng đạt 80 tỷ USD vào năm 2020 và có thể cao hơn khi thực thi TPP và các DN Việt Nam chủ động khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
Ngành dệt may, da giày được đánh giá có nhiều lợi thế do mức thuế suất giảm về 0% thay vì từ 12 đến 17% như hiện nay. Nhưng theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), cả nước có khoảng 4.000 DN dệt may, trong đó DN may chiếm 70%, dệt 17%, kéo sợi 6% và nhuộm 4%, phụ trợ chỉ có 3%, cho thấy nếu ngành DN dệt may không nỗ lực đầu tư cho chuỗi khép kín thì sẽ không có cơ hội được hưởng quyền lợi do TPP mang lại.
 
"Năm 2016, Phong Phú tiếp tục gia tăng chuỗi cung ứng khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - may và mở rộng năng lực sản xuất sợi chỉ may, sản xuất vải denim và dệt kim..." - Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Phong Phú, cho biết.
 
Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Phong Phú, cho biết: "Để được hưởng lợi về thuế, DN dệt may Việt Nam phải đáp ứng được sản phẩm xuất xứ từ sợi trở đi. Vì vậy, năm 2016, Phong Phú tiếp tục gia tăng chuỗi cung ứng khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - may và mở rộng năng lực sản xuất sợi chỉ may, sản xuất vải denim và dệt kim; tiếp tục áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để rút ngắn quy trình, giảm chi phí lao động và tiêu hao nguyên vật liệu, giảm lỗi và hỏng sản phẩm. Dự kiến, tháng 12/2016, dây chuyền sản xuất vải denim công nghệ dệt đa màu sắc sẽ cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Từ năm 2016 - 2018, Phong Phú sẽ đầu tư thêm từ 400 - 600 tỷ đồng cho sợi, may là 600 - 800 tỷ và khăn là 600 tỷ đồng".
 
Minh chứng hiệu quả của việc đầu tư chuỗi cung ứng, ông Trình cho biết thêm: "Năm 2015, khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, giá dầu sụt giảm và kinh tế thế giới giảm tốc nhưng nhờ có chuỗi cung ứng linh hoạt với các nhà máy sản xuất sợi polyester, sợi cotton và sợi dệt kim nên Phong Phú không bị ảnh hưởng. Khi đã có thị trường tốt, Phong Phú đẩy mạnh xuất khẩu sợi (do có một số thị trường thuế thấp nên Phong Phú xuất khẩu sợi rồi nhập sợi từ nước khác về phục vụ sản xuất trong nước). Khi xuất khẩu sợi gặp khó khăn thì chúng tôi đưa toàn bộ sợi xuất khẩu vào sản xuất vải, khăn bông bán trong nước".
 
Mới đây, Công ty CP Nhựa Rạng Đông đã hợp tác với Công ty Sojitz Pla-Net (Nhật Bản) để phát triển sản phẩm mới. Bên cạnh đó, để đầu tư cho chuỗi cung ứng, Rạng Đông đang xây dựng một nhà máy nhựa 87.000m2 tại Long An với vốn đầu tư 23 triệu USD, dự kiến sẽ hoạt động trong tháng 12/2016.
 
Theo đại diện của Công ty CP Nhựa Rạng Đông, hiện 85% sản phẩm của Rạng Đông tiêu thụ trong nước và 15% xuất khẩu. Sắp tới, với sự hỗ trợ của Sojitz Pla-Net vốn có lợi thế về phân phối và công nghệ, Rạng Đông sẽ đẩy mạnh xuất khẩu đồ nhựa sang Nhật Bản và một số nước khác, đặc biệt là bao bì đựng thực phẩm.
 
Sojitz Pla-Net hiện đã có 27 cơ sở sản xuất tại 17 quốc gia với doanh thu gần 3 tỷ USD, có khả năng cung ứng ra thị trường 1 triệu tấn nguyên liệu nhựa mỗi năm.
Cùng nắm bắt lợi thế sân nhà, đầu năm 2016, Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã đầu tư 71 triệu USD (tương đương 1.600 tỷ đồng), xây dựng khu nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất công nghệ cao Phước Thành, tập trung vào lĩnh vực sản xuất nhựa, linh kiện điện tử bằng nhựa, kim loại, chế tạo khuôn mẫu ngành nhựa, dập kim loại, sản xuất công nghệ xi mạ chân không... cung ứng trực tiếp cho khu phức hợp Samsung.
 
Có thể nói đến bây giờ, Minh Nguyên vẫn là một trong số rất ít DN được Samsung chọn vào chuỗi cung ứng trực tiếp. Bởi theo Samsung, việc tìm kiếm các nhà cung cấp 100% vốn trong nước là rất khó khăn vì một phần Việt Nam chưa có ngành công nghiệp sản xuất điện thoại di động, và hầu hết các DN phụ trợ không đáp ứng được các yêu cầu của Hãng đưa ra.
 
Ông Chang Bok Sang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn CJ tại Việt Nam, cũng cho biết, trong số 60 triệu USD nhập khẩu ớt, đã có một nửa được cung ứng từ Việt Nam do Công ty đầu tư mở trang trại trồng ớt ở Ninh Thuận để chủ động nguyên liệu cho công ty con của Tập đoàn.
 
Cũng đầu tháng 1/2016, Tập đoàn Avery Dennison chuyên cung ứng tem, nhãn mác, bao bì, phụ liệu trang trí cũng đã đầu tư 40 triệu USD xây dựng một nhà máy tại Long An.Sở dĩ Avery đầu tư mạnh vào Việt Nam vì ngành công nghiệp phụ trợ đang có rất nhiều cơ hội, nhất là hiện nay năng lực sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may, da giày đang phát triển.
 
Vẫn còn khó
 
Mặc dù xác định đầu tư cho chuỗi cung ứng sẽ tạo ra nhiều lợi thế nhưng theo ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến: "Điều khó nhất mà chúng ta vấp phải không phải vấn đề kỹ thuật mà là chưa tìm được đường gia nhập chuỗi cung ứng. Thông thường, các DN muốn tham gia chuỗi phải được chính nhà đầu tư chỉ định hoặc được cơ quan có uy tín giới thiệu.
 
DN cung ứng phải trải qua quá trình đàm phán, tìm hiểu rất kỹ của đối tác. DN Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, nhưng đầu ra còn rất ít. Đơn cử, đã có một DN sản xuất xe hơi trong nước đề nghị Đại Đồng Tiến cung ứng một số linh kiện nhựa nhưng sản lượng lại quá thấp so với công suất đầu tư nên không hiệu quả”.
 
Ông Ngô Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 2, cho rằng, Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng rất bị động, chỉ tập trung vào những phần dễ làm, có thế mạnh chứ chưa hướng đến nhu cầu và sự thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất để tìm cách tự đáp ứng thay vì trông chờ vào nhập khẩu. Đơn cử, tại May Sài Gòn 2, mỗi năm phải nhập khẩu tới 70% vải nguyên liệu, trong nước chỉ cung cấp được 30% còn lại. Các phụ liệu đơn giản như dây kéo, nút áo, chỉ thì không thiếu, nhưng những phụ kiện cao cấp, cầu kỳ vẫn phải nhập.
 
Tuy nhiên, theo ông Kiên, để xây dựng một nhà máy sợi, dệt cần từ 3 - 5 năm, vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Với nguồn vốn hạn chế, làm cách nào để DN Việt Nam giải bài toán nan giải này? Một chuyên gia tâm huyết với ngành công nghiệp phụ trợ cho rằng, DN phải có tiềm lực lớn về tài chính, đơn cử như tham gia chuỗi sản xuất cho Samsung thì cần ít nhất từ 5 - 10 triệu USD.
 
Ngoài việc đáp ứng về công nghệ, giá cả, thời gian giao hàng, còn có những yêu cầu khác như không bóc lột sức lao động, không trả lương công nhân thấp...
 
Và một trong những chính sách mà Nhà nước cần hỗ trợ DN là tín dụng. Lãi suất vay hiện nay của Việt Nam vẫn gấp đôi mức 5% của Thái Lan. Mới đây, Chính phủ quyết định hỗ trợ DN nhỏ và vừa khoảng 3.000 tỷ đồng đến năm 2020 cùng các chính sách miễn, giảm thuế có thể phần nào giúp các DN tham gia công nghiệp phụ trợ.
(Theo Lữ Ý Nhi – Doanh nhân Sài Gòn)